CHIA SẺ

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

CÁCH CHĂM SÓC CÂY CAM SÀNH NHANH CHO TRÁI VÀ NĂNG SUẤT CAO

Cam Sành là loài Cây Ăn Trái có giá trị kinh tế cao và ổn định, hiện nay trên thị trường Cam Sành có giá từ 50.000- 60.000 vnđ/kg. Tại vườn các thương lái thu mua với giá từ 30.000 vnđ – 35.000 vnđ/ kg. Nhiều bà con trồng Cam Sành đã biết phối kết hợp các kỹ thuật chăm sóc Cây Cam Sành và ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, hạn chế phân hóa học để giúp cây kéo dài tuổi thọ, nhanh cho trái với năng suất ngày càng cao.


Cam Sành là loại Cây Ăn Trái có giá trị kinh tế cao và ổn định

Chăm sóc Cây Cam Sành lúc nhỏ

Khi trồng, cần chọn cây giống có bộ rễ nông tốt, nên che bớt ánh nắng và tưới ẩm đất rồi đào một hố đủ rộng, không quá sâu vì rễ chỉ ăn nông dưới lớp đất mặt. Đặt cây giống xuống hố rồi lấp đất lại, ấn nhẹ đất xung quanh gốc cây, không nén đất quá nhiều hoặc chất đống đất hay phủ bồi đất cao lên gốc để tránh bệnh lở cổ rễ, một bệnh khá phổ biến ở cây có múi.

Tưới nước: Nước là yếu tố không thể thiếu đối với mỗi loại cây trồng. Sau trồng tưới ướt đẩm đất, Sau trồng hai ngày tưới 1 lần, khi cây xanh tốt trở lại 5 – 7 ngày tưới 1 lần. thời kỳ khô hạn, ít mưa nên tưới 3 – 5 ngày 1 lần. Tưới dặm nếu nắng gắt, thoát nước kịp thời khi bị úng.

Chăm sóc Cây Cam Sành lúc lớn

Khi cây lớn chú ý chăm sóc tỉa cành, nhánh mọc lẻ tẻ, rời rạc. Cắt các cành nhánh ngay bên dưới nơi chúng mang trái hoặc hoa. Điều này sẽ kích thích cây tập trung năng lượng cho tăng trưởng thực vật. Nó cũng làm cho cây trở nên mạnh mẽ và không phát triển tán rườm rà.


Chăm sóc Cây Cam Sành lúc lớn

Bà con nên sử dụng phân bón hữu cơ để nuôi dưỡng cây như phân gà, phân bò…hạn chế sử dụng phân hóa học. Nên sử dụng phân đã nghiền thành bột (nếu dùng phân bột viên như phân gà, phân bò… cũng nên nghiền nát ra) và trộn nấm Trichoderma rắc trên đất cách xa gốc để kích thích rễ lan ra. Luôn tưới ẩm đất trước và sau khi bón phân.

Đối với cây từ 1-3 tuổi: có phân chuồng + phân lân bón vào tháng 12 đến tháng 01. Đạm urê và kali bón làm 3 lần: Lần 1: vào tháng 1-2: 30% đạm; Lần 2: vào tháng 4-5: 40% đạm + 100%kali; Lần 3: tháng 8 – 9: 30% đạm. (thời gian bón còn tùy thuộc vào khí hậu từng vùng)

Từ năm thứ 4 trở đi: bà con dùng phân chuồng + lân + vãi sau khi thu hoạch quả (quả tháng 12 sang tháng 1). Thúc lần 1(Bón đón lộc xuân ): Khỏang từ 15/2-15/3: 40% đạm + 40% kali; + Thúc lần 2: vào tháng 4-5: 30% đạm + 30% kali; Thúc lần 3 (Bón thúc cành thu và nuôi quả ): vào tháng 6-7: 30% đạm + 30% kali.

Việc bón phân và điều khiển ra hoa, trái vụ là một kỹ thuật quan trọng giúp nhà vườn có thu nhập cao. Cam Sành nghịch vụ có giá cao gấp 3 – 5 lần vụ thuận. Nhằm kích thích ra hoa sớm, biện pháp được dùng phổ biến là cắt nước trong mùa khô nhằm tạo sự căng thẳng sinh lý trong cây để kích thích ra chồi non và hoa khi tưới nước trở lại. Ngừng tưới nước từ 12 – 15 ngày đến khi cây có biểu hiện héo thì tưới nước trở lại. Khi thực hiện chú ý thời gian từ khi cây ra hoa đến thu hoạch mất khoảng 9 tháng.

Phòng trừ sâu bệnh hại Cam Sành

Bà con nên sử dụng những sinh vật sinh học là “khắc tinh” của sâu, rầy như kiến vàng. Nhiều nhà vườn đã thấy lợi ích của kiến vàng trong các vườn Cây Ăn Trái. Kiến vàng là một loại thiên địch giúp nông dân tiêu diệt sâu rầy, bảo vệ cây trồng mà không cần sử dụng thuốc hóa học.



Phòng trừ sâu bệnh hại Cam Sành

Kiến vàng có khả năng tấn công nhiều loại sâu hại phổ biến trên cây ăn trái. Nuôi kiến vàng trên các vườn cây có múi là một biện pháp sinh học có hiệu quả cao, ít tốn kém và đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với xu hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng trái ngon và sạch (không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật), ít sử dụng hóa chất đang càng ngày càng lớn. Vì thế, phục hồi việc nuôi kiến vàng trên vườn Cây Ăn Trái để hạn chế sự gây hại của một số sâu hại chính là rất cần thiết.